0904448287 saigonkienphap@gmail.com
Thông Tin Pháp Luật

Thành Lập Công ty TNHH Một Thành Viên

Ngày đăng: 03 Tháng 1, 2025

Nội dung chính:

  1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bố cáo điện tử.
  2. Sau khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp:
    • Đăng ký mở tài khoản công ty.
    • Mua chữ ký số, hoá đơn điện tử.
    • Bảng tên công ty.
    • Dấu công ty.
  3. Sau khi có tài khoản công ty, chữ ký số, hoá đơn điện tử:
    • Khai báo thuế ban đầu.
  4. Đáp ứng các điều kiện thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

 

I. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bố cáo điện tử

Chủ sở hữu là công dân/ tổ chức Việt Nam, nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh đồng thời đề nghị bố cáo điện tử:

  • Hồ sơ đăng ký thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên gồm các giấy tờ nào?

Khi thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, gồm các giấy tờ quy định tại Điều 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, cụ thể:

1. Văn bản cần soạn thảo và ký:

a. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu quy định tại Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT).

b. Điều lệ công ty.

2. Giấy tờ cần gửi:

a. Bản sao Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

b. Bản sao Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân.

c. Bản sao Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước) (Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự).

d. Bản sao Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

e. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  • Điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là gì?

Khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;

- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

  • Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được chấp thuận khi đáp ứng những điều kiện nào?

Khoản 3 Điều 43 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu sau:

- Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy. Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân khác ký tên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định;

- Các thông tin đăng ký doanh nghiệp được kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải đầy đủ và chính xác theo các thông tin trong hồ sơ bằng bản giấy; có bao gồm thông tin về số điện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ;

- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp hoặc người được người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Chú ý, nếu chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài, trước khi thực hiện thủ tục về cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cần thực hiện thủ tục về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

II. Sau khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp:
  • Đăng ký mở tài khoản công ty:

Sau khi mở tài khoản ngân hàng thì phải đăng ký tài khoản ngân hàng trên trang thuedientu (chi tiết tại mục III dưới đây).

Chủ sở hữu góp vốn điều lệ thông qua tài khoản này.

Công ty có quyền chủ động lựa chọn mở tài khoản tại ngân hàng phù hợp theo nhu cầu của mình.

  • Mua chữ ký số, mua hoá đơn điện tử:

Theo quy định về quản lý, sử dụng hoá đơn hiện nay (Nghị định 123/2020/NĐ-CP), công ty bắt buộc phải sử dụng hoá đơn điện tử.

Chữ ký số phải có để cho ký điện tử của người đại diện theo pháp luật đối với hoá đơn (ngoài ra có thể sử dụng cho các giao dịch điện tử khác).

Hoá đơn điện tử phải được đăng ký với cơ quan thuế (nộp tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đến Tổng Cục thuế và được nhận thông báo chấp nhận đề nghị đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của đơn vị).

Hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ về chữ ký số, hoá đơn điện tử với nhiều giá thành khác nhau. Người đại diện theo pháp luật chú ý tìm kiếm nhà cung cấp có uy tín, chuyên nghiệp để nhận được nhiều tiện ích như chính sách hỗ trợ tư vấn, phần mềm quản lý,...

  • Bảng tên công ty:

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành (2020):

- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

- Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

  • Dấu công ty:

Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty được quyền quyết định về việc khắc dấu công ty và không phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Khoản 1 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định dấu của doanh nghiệp bao gồm:

- Dấu được làm tại cơ sở khắc dấu;

- Hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp

Trên thị trường có rất nhiều đơn vị chuyên khắc dấu, người đại diện theo pháp luật cân nhắc lựa chọn đơn vị có kinh nghiệm để tham khảo các mẫu dấu phù hợp nhu cầu.

Việc quản lý và lưu giữ dấu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành.

III. Sau khi có tài khoản công ty, chữ ký số, hoá đơn điện tử:
  • Khai thuế ban đầu:

Đăng ký tài khoản kê khai thuế qua mạng: trang https://thuedientu.gdt.gov.vn/.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định hướng dẫn số 126/2020/NĐ-CP:

- Nộp tờ khai lệ phí môn bài: công ty mới thành lập được miễn nộp thuế môn bài năm đầu thành lập (từ ngày 01/01 đến 31/12).

- Nộp tờ khai thuế GTGT: công ty khai báo, nộp thuế GTGT theo phương pháp đã đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: có 02 phương pháp kê khai thuế GTGT là kê khai khấu trừ và kê khai trực tiếp. Theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Luật thuế GTGT:

- Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

a) Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh;

b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.

Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng đối tượng như sau:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;

- Hộ, cá nhân kinh doanh;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay;

- Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

Theo Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, có 2 kỳ báo cáo: tháng và quý. Doanh nghiệp mới thành lập được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.

Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định.

IV. Đáp ứng các điều kiện thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện:

Áp dụng cho công ty đăng ký kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Tra cứu Danh mục Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại các văn bản pháp luật:

- Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.

- Khoản 1 Điều 51 Luật Giao dịch điện tử 2024. 

- Khoản 1 Điều 2 Luật Tần số vô tuyến điện tử sửa đổi 2022. 

- Khoản 5 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022.

- Điều 48 Luật Điện ảnh 2022.

https://saigonkienphap.vn

Bài viết liên quan

Bài viết gần đây